Tiếng Việt online

Học tiếng Việt online miễn phí !

Tiếng Việt cơ bản

Các cách nói xin chào trong Tiếng Việt

Cách nói chào hỏi trong tiếng Việt thường sẽ có nhiều điểm khác biệt hơn so với các ngôn ngữ khác. Trong tiếng Việt thường sẽ không chào hỏi một cách nói chung như: chào buổi sáng, chào buổi chiều hay chào buổi tối. Khi chào hỏi một ai đó, chúng ta sẽ phải cân nhắc nhiều tới yếu tố vai vế, hoàn cảnh. Trong bài viết này Tiếng Việt 24h xin được giới thiệu tới các bạn các cách nói xin chào trong Tiếng Việt và các tình huống sử dụng chúng.

Các cách nói xin chào trong Tiếng Việt

Cách nói xin chào trong tiếng Việt

Xin chào

Em chào chị

Em chào anh

Cháu chào chú

Cháu chào bác

Cháu chào cô

Cháu chào dì

Cháu chào ông

Cháu chào bà

Chào em

Chào cháu

Chào cậu

Chào bạn

Con chào bố

Con chào mẹ

Bác đi đâu đấy?

Em đi đâu đấy?

…(Tên người) đang làm gì đấy?

Cách nói “xin chào” trong giao tiếp của người Việt ít được sử dụng. Thông thường cách nói này khi nói chuyện với người nước ngoài. Trong giao tiếp Tiếng Việt thường có những cách chào hỏi như sau:

Khi chào hỏi với người lớn tuổi hơn

Trong giao tiếp với người có độ tuổi lớn hơn mình thì người Việt Nam luôn có cách chào hỏi một cách kính trọng, lễ phép. Nếu là trẻ nhỏ khi chào hỏi còn phải kèm theo hành động khoanh tay trước ngực và cúi chào với người lớn tuổi hơn (đặc biệt là với ông/bà).

Thông thường khi nói với người trên, chúng ta phải đầy đủ cả chủ ngữ và từ “ạ” vào cuối câu để thể hiện sự kính trọng:

Em chào anh/chị ạ – Cháu chào cô/ dì/chú/bác/ông/bà ạ.

Tuy nhiên, đôi lúc chỉ cần có một trong hai đã đủ để thể hiện sự kính trọng, lễ phép.

VD: Chào anh/chị ạ – chào cô/ dì/chú/bác/ông/bà ạ.

Em chào anh/chị – Cháu chào cô/dì/chú/bác.

Ví dụ: Khi được bố mẹ dẫn tới nhà ông, bà chơi.

Cháu: Cháu chào ông ạ (cháu chào bà ạ)!

Ông: Chào cháu! Ngoan quá. Lại đây ông xem đã cao hơn tý nào chưa?

Cháu: Dạ! Bà dạo này có khỏe không ạ!

Bà: Cảm ơn cháu. Bà khỏe cháu ạ. Có cháu đến chơi là ông bà vui lắm!

Khi chào hỏi với người nhỏ tuổi hơn

Chào em – chào cháu

Với những người bạn gặp có độ tuổi nhỏ hơn mình thường theo phong tục của người Việt thì mình sẽ thường được nhận lời chào hỏi của người nhỏ hơn trước rồi đáp lại câu chào. Nhưng vẫn có những trường hợp người lớn tuổi hơn vẫn có thể ngỏ lời chào trước với người nhỏ tuổi hơn mình nếu muốn tạo thiện cảm hay lần đầu gặp các em nhỏ.

Ví dụ: Có dịp đến thăm một trường tiểu học vùng sâu

Tôi: Chào em nhé!

Bé: Em chào chị ạ.

Tôi:  Rất vui được gặp em.

Bé: Vâng

Tôi: Em bao nhiêu tuổi rồi?

Bé: Dạ! Em năm nay 7 tuổi rồi ạ!

Tôi: Vậy à, hôm nay chị có món quà tặng em nhé!

Bé: Vâng. Em cảm ơn chị nhiều ạ!

Tôi: Tạm biệt em nhé! Hẹn gặp lại.

Khi chào hỏi với bạn bè đồng trang lứa ( cùng lứa tuổi với nhau)

Chào cậu/chào bạn/Hello

Đối với người bạn bè cùng lứa tuổi với mình, hay kể cả khi mới gặp nhau chưa biết tên tuổi của đối phương thì người Việt có cách chào thân mật là cậu, tớ. Nếu thân thiết thì người Việt cũng có thể chào hỏi bằng cách gọi tên của nhau. Đặc biệt, người Việt cũng mượn từ Hello trong tiếng anh để chào hỏi với bạn bè

Ví dụ: Trong buổi gặp mặt học nhóm của các bạn cùng lớp

Tôi: A! Phương kìa.

Phương: Hello Nam, cậu đến lâu chưa? Xin lỗi mình đến muộn.

Tôi: Chào cậu, tớ cũng mới đến thôi.

Phương: Vậy chúng mình bắt đầu học nhé!

Tôi: Bắt đầu thôi.

Khi chào hỏi với bố, mẹ trong gia đình

Con chào bố/mẹ

Trong giao tiếp của người Việt mỗi một đối tương chào hỏi lại có cách chào và cách xưng hô khác nhau. Đối với bố mẹ mình thì xưng con và chào trực tiếp bố, mẹ. Còn khi đáp lại lời chào của con thì bố mẹ có thể nói chào con hoặc gọi luôn tên. Với bố mẹ mình là người thân thiết trong gia đình nhưng vẫn phải giữ thái độ kính trọng, lễ phép khi giao tiếp.

Ví dụ: Khi đi học về nhà gặp bố, mẹ

Con: Con chào bố mẹ ạ! Con đi học mới về.

Bố: Chào con, hôm nay học có vui không con?

Con: Dạ! Vui bố ạ, hôm nay con được điểm 10 môn toán bố ạ!

Bố: Minh Anh giỏi quá. Vậy nhà mình hôm nay ăn ngon để thưởng cho Minh Anh nhé!

Dùng câu hỏi thay cho lời chào

Trong văn hóa Việt Nam lời chào vô cùng quan trong nhưng trong một số trường hợp như khi gặp người thân quen thì cách chào hỏi không nhất thiết phải có câu “chào”, mà có thể thay thế bằng câu hỏi. Cách chào hỏi này thường được dùng trong một số trường hợp như: bất ngờ sang nhà ai đó chơi (hàng xóm, bạn bè,…); tình cờ gặp người quen,…

Ví dụ: Tình cờ Thảo gặp Mai trên đường đi chợ

Thảo: Ơ! Mai đấy à? Hôm nay đi chợ sớm thế?

Mai: Ừ, Thảo đấy hả? Hôm nay nhà mình có khách nên đi sớm hơn chút mua đồ về còn kịp chuẩn bị.

Thảo: Vậy à, thế cậu về đi cho mẹ làm đồ. Mình cũng đi mua cho xong đây. Tạm biệt nhé!

Mai: Vậy tạm biệt Thảo nhé. Gặp lại nhau sau vậy.

Trên đây Tiếng Việt 24h vừa hướng dẫn toàn bộ các cách nói xin chào trong tiếng Việt mời các bạn cùng tham khảo. Trong văn hóa chào hỏi của người Việt Nam thì đối tượng và tình huống khác nhau sẽ có những cách chào hỏi khác nhau. Vì vậy để học tốt ngôn ngữ này các bạn không chỉ đọc thuộc lòng một cách máy móc, mà phải làm chủ được mọi tình huống giao tiếp để chọn đúng từ xưng hô, đúng người, đúng việc, đúng hoàn cảnh… mà nhất là thể hiện đúng nội dung tâm lí văn hoá dân tộc, xuất phát từ sự am hiểu nền tảng văn hoá dân tộc đã sản sinh ra ngôn ngữ và mọi hiện tượng của ngôn ngữ đó.

Mời các bạn theo dõi các bài viết khác trong chuyên mục : Tiếng Việt cơ bản

We on social : Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *