Tiếng Việt online

Học tiếng Việt online miễn phí !

Tiếng Việt giao tiếp

Các mẫu câu giao tiếp trong nhà hàng bằng tiếng Việt

Tiếp nối chuỗi bài học giao tiếp bằng tiếng Việt theo chủ đề, trong bài viết này, Tiếng Việt 24h xin được giới thiệu đến các bạn một chủ đề khá quen thuộc: Giao tiếp trong nhà hàng. Cùng bắt đầu nào!

Các mẫu câu giao tiếp trong nhà hàng bằng tiếng Việt

Các mẫu câu thường dùng trong nhà hàng

Đặt bàn

Nếu là khách, các bạn có thể sử dụng một trong những mẫu câu sau đây để đặt bàn trong nhà hàng:

+ Nhà hàng còn bàn trống không?

+ Anh / chị / cô / chú / … muốn đặt một bàn cho ~ người

+ Nếu đã đặt bàn trước đó thì bạn có thể nói: Anh / chị / cô / chú / … đã đặt một bàn cho ~ người vào ~ giờ hôm nay

Nếu là phục vụ, khi có khách đến, các bạn có thể áp dụng những mẫu câu sau:

+ Anh / chị / cô / chú / … đi mấy người ạ?

+ Anh / chị / cô / chú / … có đặt bàn trước không ạ?

+ Nhà hàng vẫn còn một bàn trống ở [vị trí bàn trống]

Ví dụ: 

Em muốn đặt một bàn cho hai người ạ.

Anh đã đặt một bàn cho 5 người vào 8 giờ tối nay.

Nhà hàng vẫn còn một bàn trống ở trên lầu 2 ạ.

Gọi món

Giao tiếp trong nhà hàng - Gọi món

Nếu là khách, sau khi đã ổn định chỗ ngồi, các bạn có thể gọi món bằng cách sử dụng những mẫu câu sau:

+ Nếu trên bàn không có sẵn thực đơn, bạn có thể yêu cầu phục vụ mang tới cho mình, bạn có thể nói: Cho anh / chị / cô / chú / … xin thực đơn

+ Bạn có thể nhờ phục vụ giới thiệu về các món ăn của nhà hàng cho mình bằng cách sử dụng mẫu câu: Nhà hàng này có món gì ngon vậy?, Món đặc biệt của hôm nay là gì vậy?, Đây là món gì thế?

+ Sau cùng, khi đã quyết định xong món ăn, bạn sẽ đặt món với phục vụ như sau: Cho anh / chị / cô / chú / … [tên món ăn / đồ uống], Cho anh / chị / cô / chú / … ~ phần / cốc [tên món ăn / đồ uống] 

+ Trong trường hợp gặp vấn đề với món ăn được mang lên, bạn có thể nói với phục vụ như sau: Anh / chị / em ơi, món này bị thiu rồi; Anh / chị / cô / chú / … không có gọi món này 

Nếu là phục vụ, các bạn có thể áp dụng những mẫu câu sau để hỏi khách:

+ Anh / chị / cô / chú / … muốn dùng gì ạ?

+ Anh / chị / cô / chú / … muốn gọi thêm gì không?

+ Ở đây có [tên món ăn / đồ uống] rất nổi tiếng, anh / chị / cô / chú / … có muốn dùng thử không?

Ví dụ:

Cho tôi một bát phở ạ.

Cho tôi hai ly cà phê nhé.

Thanh toán

Nếu là khách, các bạn có thể yêu cầu thanh toán hóa đơn bằng các mẫu câu sau:

+ Cho  anh / chị / cô / chú / … xin hóa đơn 

+ Anh / chị / em ơi, tính tiền. 

+ Để anh / chị / cô / chú / … trả cho

Nếu là phục vụ, các bạn hãy dùng những mẫu câu sau:

+ Hóa đơn của anh / chị / cô / chú / … đây ạ

+ Đây là tiền thừa ạ

Một số tình huống giao tiếp theo chủ đề: Giao tiếp trong nhà hàng

Tình huống giao tiếp trong nhà hàng

Tình huống 1

Phục vụ: Anh đi mấy người ạ?

Khách: Anh muốn đặt một bàn cho 4 người.

Phục vụ: Mời anh đi lối này.

……………………………………………………………………………………….

Phục vụ: Các anh muốn dùng gì ạ?

Khách: Cho tụi anh 4 phần bít tết và 4 ly bia nhé.

Phục vụ: Vâng ạ, các anh chờ một lát nhé.

Tình huống 2

Ngọc: Anh ơi, món này có mùi lạ quá, hình như bị hư rồi thì phải.

Nam: Đúng là như vậy thật. Để anh nói phục vụ đổi món khác. Em ơi, món này bị hư rồi.

Phục vụ: A, đúng là bị hư thật. Thành thật xin lỗi, em sẽ đổi món khác cho anh ngay ạ.

……………………………………………………………………………………….

Nam: Cho anh xin hóa đơn.

Phục vụ: Hóa đơn của anh đây ạ.

Nam: Đây, anh gửi tiền.

Phục vụ: Cảm ơn anh chị nhiều lắm.

Tình huống 3

Minh đã hẹn An đi ăn tối ở một nhà hàng, nhưng An bận việc không tới được.

Minh: Xin lỗi, em đã đặt một bàn cho 2 người vào 7 giờ tối nay ạ. Em tên là Minh.

Nhân viên tiếp đón: Em chờ một lát để chị kiểm tra nhé. À, Minh đúng không ạ. Em đi lối này nhé.

……………………………………………………………………………………….

Phục vụ: Em có muốn gọi món luôn không?

Minh: À, em đợi bạn đến rồi sẽ gọi sau.

Phục vụ: Ừm, được rồi.

Có điện thoại của An gọi đến.

An: A lô, Minh hả? Hôm nay tớ có việc bận rồi nên không đến được. Xin lỗi cậu.

Minh: Không phải chứ, tớ đang ở trong nhà hàng rồi đây này.

An: Xin lỗi cậu nhiều lắm.

Minh: Thôi được rồi, không sao đâu *Cúp máy*. Anh ơi, cho em gọi món ạ.

Phục vụ: Em không đợi bạn nữa sao?

Minh: Cậu ấy có việc nên không tới được. Em đành ăn một mình vậy.

Trên đây là bài viết: Các mẫu câu giao tiếp trong nhà hàng bằng tiếng Việt. Rất mong bài viết này có thể giúp các bạn cải thiện kỹ năng giao tiếp tiếng Việt của mình. Chúc các bạn học tốt!

Mời các bạn tham khảo các bài viết tương tự trong chuyên mục: Tiếng Việt giao tiếp

We on social : Facebook

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *