Tiếng Việt online

Học tiếng Việt online miễn phí !

Ngữ pháp tiếng Việt

Cách sử dụng từ cho trong tiếng Việt

Chào các bạn, trong bài viết này Tiếng Việt 24h xin được giới thiệu tới các bạn: Cách sử dụng từ cho trong tiếng Việt.

Cách sử dụng từ cho trong tiếng Việt

Cách dùng 1:

Vị trí của từ trong câu :

Là giới từ.

Ý nghĩa và ví dụ :

Ý nghĩa: Biểu thị đối tượng tiếp nhận hành động, hay đối tượng chịu tác động, ảnh hưởng của một việc gì đó, hoặc thể hiện yêu cầu, mục đích, mức độ cần đạt được của một hành động nào đó.

Ví dụ:

Tôi đi mua đồ cho mẹ. (Biểu thị đối tượng tiếp nhận hành động. Trong ví dụ này, “mẹ” là đối tượng tiếp nhận hành động “đi mua đồ” của “tôi”)

Uống nước tốt cho cơ thể. (Biểu thị đối tượng chịu tác động, ảnh hưởng của một việc gì đó. Trong ví dụ này, “cơ thể” là đối tượng chịu tác động của việc “uống nước”, cụ thể là chịu tác động tốt)

Tôi cố gắng làm cho xong công việc rồi mới về nhà. (Thể hiện yêu cầu, mục đích, mức độ cần đạt được. Trong ví dụ này, “xong công việc” là mục đích cần đạt được của hành động “làm”)

Chú ý:

+ Hình thức “cho / làm cho / khiến cho + mệnh đề (diễn đạt kết quả)” biểu thị kết quả do một nguyên nhân nào đó gây ra.

+ Hình thức “cho được / cho bằng được” biểu thị quyết tâm phải đạt được kết quả tốt.

+ Hình thức “cho rồi / cho xong / cho qua” biểu thị thái độ chấp nhận việc đã được đề cập trước đó để không gặp khó chịu mà không quan tâm đến kết quả có thể xảy ra.

Một số ví dụ khác:

Tôi đi mua quà để tặng cho bà.

Hãy cho tôi biết lý do vì sao hôm qua em không đi học.

Con chó nhà hàng xóm cứ sủa không ngừng khiến cho tôi không thể ngủ được.

Thức khuya có hại cho sức khỏe.

Phải ôn bài cho kĩ thì mới có thể đậu kì thi.

Tôi nhất định phải mua quyển sách ấy cho bằng được.

Trời mưa thế này thì làm sao mà đi ra ngoài chơi được. Thôi ở nhà cho rồi.

Cách dùng 2:

Vị trí của từ trong câu :

Là trợ từ.

Ý nghĩa và ví dụ :

Ý nghĩa: Dùng khi người nói muốn đề nghị làm gì đó cho người nghe, hoặc để biểu thị một hậu quả xấu có thể tác động đến người nghe do chính hành động, việc làm của người nghe gây ra.

Chú ý: Trong trường hợp là trợ từ, “cho” thường được dùng trong ngôn ngữ nói. Ngoài ra, ta có thể sử dụng hình thức “không…cho lắm” để biểu thị ý giảm nhẹ một đánh giá tiêu cực nào đó.

Ví dụ:

Để tôi xách hành lý cho. (Người nói muốn đề nghị làm gì đó cho người nghe)

Cậu cứ trốn học như thế thì sẽ bị cô mắng cho đấy. (Biểu thị hậu quả xấu có thể tác động đến người nghe do chính hành động của người nghe gây ra)

Tôi không thích ăn cá cho lắm.

Một số ví dụ khác:

Các cậu đừng có chọc con chó ấy nữa, nó cắn cho đấy.

Ca sĩ ấy hát không hay cho lắm.

Món ăn này không được ngon cho lắm. Cậu có nấu đúng theo như hướng dẫn không vậy?

Đừng có quấy rầy khi anh ấy đang làm việc, bị mắng cho bây giờ.

Mấy việc vặt như thế này cứ để chúng tôi làm cho, anh cứ ngồi nghỉ ngơi đi.

A: Ngày mai tụi mình cùng đi cắm trại đi.
B: Ý hay đấy. Có cần chuẩn bị gì không?
A: Có chứ. Chúng ta cần chuẩn bị xe, đồ ăn, lều cắm trại…
B: Để tớ chuẩn bị thức ăn cho.
A: Được rồi, vậy thì tớ sẽ lo phần xe và lều cắm trại.

Mời các bạn cùng tham khảo các cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt, cách dùng các từ tiếng Việt khác trong chuyên mục : ngữ pháp tiếng Việt

We on social : Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *