Tiếng Việt online

Học tiếng Việt online miễn phí !

Ngữ pháp tiếng Việt

Cách sử dụng từ mà trong tiếng Việt

Chào các bạn, trong bài viết này Tiếng Việt 24h xin được giới thiệu tới các bạn: Cách sử dụng từ mà trong tiếng Việt.

Cách sử dụng từ mà trong tiếng Việt

Cách dùng 1:

Vị trí của từ trong câu :

Là liên từ.

Ý nghĩa và ví dụ :

Ý nghĩa: Biểu thị một điều gì đó trái ngược với bình thường. Thường được dùng để phủ định, bác bỏ ý kiến được nêu trước đó.

Chú ý:

+ Ở cách dùng này, trong một số trường hợp, “mà” có thể được thay bằng “nhưng” để biểu thị điều trái ngược. Tuy nhiên, “mà” biểu thị điều diễn ra là trái với lẽ thường, trong khi “nhưng” biểu thị quan hệ nhân quả. Việc sử dụng “mà” hay “nhưng” là tùy theo hàm ý của người nói.

+ Có thể sử dụng các hình thức kết hợp sau: nhưng mà (biểu thị ý tương phản), mà lại, vậy mà / thế mà

Ví dụ:

Cái áo đẹp thế này mà lại không thích à?

Tôi đã khuyên hết lời mà anh ấy cũng không chịu nghe.

Quyển từ điển này rất hay nhưng mà chữ hơi nhỏ.

Tớ mà lại không biết giải bài tập này à? Với mấy bài như thế này, chỉ cần vài phút là tớ đã giải xong rồi.

Cách dùng 2:

Vị trí của từ trong câu :

Là liên từ.

Ý nghĩa và ví dụ :

Ý nghĩa: Nêu một mặt khác, một điều bổ sung thêm cho cái đã được nói trước đó.

Ví dụ:

Nhà hàng này ngon mà mắc quá!

Quyển từ điển này hay mà tiện lợi quá!

Nữ ca sĩ ấy đã xinh đẹp mà lại hát hay nữa.

Ngôi nhà này rộng mà đẹp quá! Tôi quyết định sẽ mua ngôi nhà này.

Cách dùng 3:

Vị trí của từ trong câu :

Là liên từ.

Ý nghĩa và ví dụ :

Ý nghĩa: Dùng để đưa ra đề nghị, yêu cầu, ra lệnh với ý thân mật, không trang trọng, hoặc nêu ra mục đích của một hành động nào đó.

Chú ý:

+ Không nên dùng “mà” để yêu cầu, đề nghị với người có vị trí cao hơn mình.

+ Khi được dùng với với ý chỉ mục đích của hành động, “mà” có thể được thay bằng “để / để mà”.

Ví dụ:

Trời mưa rồi. Cậu có đi ra ngoài thì lấy cây dù của tớ mà dùng.

Tôi cố gắng làm việc để kiếm tiền mà nuôi các con.

Nếu đang vội thì lấy xe tôi mà đi.

Cứ tự nhiên mà dùng đi nhé.

Cách dùng 4:

Vị trí của từ trong câu :

Là liên từ.

Ý nghĩa và ví dụ :

Ý nghĩa: Chỉ kết quả hay hậu quả của hành động, sự việc được nêu ra trước đó.

Chú ý: 

+ Ở cách dùng này, trong một số trường hợp, “mà” có thể được thay bằng “nên” để biểu thị kết quả của hành động, sự việc. Tuy nhiên, “nên” chỉ biểu thị kết quả thông thường, trong khi “mà” mang sắc thái thuyết minh, giải thích, phân bua.

+ Có thể sử dụng các hình thức kết hợp sau: vì…mà…; do…mà…; tại…mà…; nhờ…mà…

Ví dụ:

Tại cậu mà mọi chuyện mới thành ra như thế này đấy.

Nhờ có Internet mà mọi người có thể tìm kiếm thông tin nhanh hơn.

Nghe nói mà tội nghiệp cho nó!

Do ngủ dậy muộn mà bị trễ học.

Vì được ba mẹ nuông chiều mà thằng bé ấy trở nên bướng bỉnh hơn.

Cách dùng 5:

Vị trí của từ trong câu :

Là liên từ.

Ý nghĩa và ví dụ :

Ý nghĩa: Dùng để nối danh từ với một mệnh đề đi sau nhằm thuyết minh, giải thích cho danh từ đó.

Chú ý: 

+ Ở cách dùng này, “mà” có thể được lược bỏ một cách tùy ý.

+ Có thể sử dụng các hình thức kết hợp sau: may mà; khó mà; dễ gì mà; tha hồ mà; …mà…thì…(nêu giả thiết và kết quả có được từ giả thiết đó, dùng để trình bày ý kiến, đưa ra khả năng, bày tỏ mong muốn…)

Ví dụ:

Người mà đang mặc áo sơ mi trắng đằng kia là ai vậy?

Nhiều vấn đề như thế này thì khó mà giải quyết hết được trong hôm nay.

Cái thùng này đựng cái gì mà nặng thế?

Ngày mai mà được nghỉ thì tốt biết mấy!

Cách dùng 6:

Vị trí của từ trong câu :

Là trợ từ cuối câu.

Ý nghĩa và ví dụ :

Ý nghĩa: Dùng trong những lời giải thích, thuyết phục, khẳng định, trách cứ.

Ví dụ:

Tôi đã cảnh báo cậu về điều đó rồi mà!

Cái này là của em mà!

Điều tớ nói hoàn toàn là thật mà! Cậu tin tớ đi.

Hôm nay là Chủ Nhật mà!

A: Cô ấy hát hay quá nhỉ?
B: Thì người ta là ca sĩ mà!

Mời các bạn cùng tham khảo các cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt, cách dùng các từ tiếng Việt khác trong chuyên mục : ngữ pháp tiếng Việt

We on social : Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *