Tiếng Việt online

Học tiếng Việt online miễn phí !

Ngữ pháp tiếng Việt

Hướng dẫn sử dụng từ “thì” trong tiếng Việt

Từ “thì” vừa là danh từ, vừa là quan hệ từ và vừa có thể là phó từ, cho nên chúng ta cần phải xác định rõ xem bản thân định sử dụng với nghĩa nào thì mới có thể dùng từ “thì” một cách tự nhiên được. Trong bài viết này, Tiếng Việt 24h xin được giới thiệu đến các bạn: Hướng dẫn sử dụng từ “thì” trong tiếng Việt. Cùng bắt đầu nhé!

Hướng dẫn sử dụng từ "thì" trong tiếng Việt

Khi từ “thì” là danh từ

“thì” đồng nghĩa với “thời” (chỉ thời gian).

Ví dụ:

Khi hẹn ai đó ra ngoài ăn: “Khi nào cậu có thì giờ tụi mình đi ăn nhé?”

Thay thế bằng “thời giờ”, “thời gian” ở trường hợp này hoàn toàn được, đa số người Việt sẽ sử dụng từ “thời gian”.

Về cơ bản, khi thay thế “thì” và “thời” theo nghĩa danh từ với nhau, người Việt vẫn hiểu nội dung câu, nhưng trong một số trường hợp dưới đây sẽ làm mất đi sắc thái nghĩa của lời nói.

“thì” chỉ thời kì phát triển mạnh, tốt nhất, bắt đầu có khả năng sinh sản

Lúc này, từ “thì” thường được gắn với “con gái” theo nghĩa độ tuổi đẹp nhất, bắt đầu có khả năng sinh sản.

Ví dụ:

Có một cô gái ngoài 30 tuổi rồi mà vẫn chưa lấy chồng sinh con, mẹ cô ấy có thể sẽ tâm sự với con gái mình : “Quá lứa lỡ thì rồi khó kiếm được tấm chồng tử tế lắm con ạ.”

So sánh

Quá lứa lỡ thời rồi khó kiếm được tấm chồng tử tế lắm con ạ.Quá lứa lỡ thì rồi khó kiếm được tấm chồng tử tế lắm con ạ.
–> Dùng từ “thời” là dùng sai. Người nghe sẽ hiểu “thời” chỉ có nghĩa là một cơ hội, giai đoạn tốt bị bỏ lỡ, chứ không có thêm sắc thái thương xót, tiếc nuối như sử dụng từ “thì”.

–> Cách dùng từ “thì” đúng, tự nhiên.

 

“thì” chỉ thời điểm chính xác, tốt nhất để làm gì đó

Nghĩa này thường sử dụng khi nói về nông nghiệp, dùng trong văn chương.

Ví dụ:

+ Ơn trời mưa nắng phải thì / Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu.

“mưa nắng phải thì” tức là thời tiết thích hợp, mưa nắng đúng lúc. Đây là cách nói của văn chương.

Lưu ý: Trong trường hợp người nói dùng cụm “phải khi phải thì” thì ý nghĩa lại ngược lại.

Ví dụ:

Cha mẹ dạy con phải tiết kiệm tiền, người cha nói với con: “Phải có tiền tiết kiệm nhỡ phải khi phải thì con ạ.”

Trong trường hợp này, “phải thì” được hiểu là gặp giai đoạn khó khăn, xui xẻo, tai ương.

“thì” được hiểu là từng phần của một động tác, một thao tác kĩ thuật hay một chu trình vận động

Nghĩa này thường dùng trong ngành kĩ thuật, giáo dục thể chất, y tế, không thường dùng trong đời sống.

Ví dụ:

+ Động cơ bốn thì

+ Hai thì hít vào và thở ra của động tác thở

Khi từ “thì” là quan hệ từ

Khi là quan hệ từ, có thể sử dụng từ “thì” để biểu thị mối quan hệ đẳng lập hoặc mối quan hệ chính phụ.

Trong văn nói, từ “thì” với ý nghĩa quan hệ từ được dùng rất phổ biến.

“thì” biểu thị điều sắp nêu là kết quả của nguyên nhân, điều kiện hay giả thuyết được nói đến trước nó

Các cặp quan hệ từ thường xuất hiện cùng nhau là nếu – thì, hễ – thì, giá – thì, giá mà – thì, giá như – thì,…

Ví dụ:

+ Khi muốn mặc cả giá tiền một chiếc nón, có thể nói với người bán hàng: “Bác nói thách như thế thì cháu không mua nữa đâu.”

Trong trường hợp này, việc người bán hàng “nói thách” giá cao là nguyên nhân, kết quả là “cháu không mua nữa”.

So sánh

bác nói thách như thế nên cháu không mua nữa đâu.Bác nói thách như thế thì cháu không mua nữa đâu.
–> Người nghe sẽ hiểu người nói đang thông báo và giải thích lí do mình “không mua nữa”. Cách nói này thậm chí hơi có sắc thái “giận dỗi”.–> Cách dùng từ “thì” tự nhiên, có sắc thái thương lượng, thích hợp để mặc cả.

+ Khi muốn khuyên người bạn của mình chăm học tiếng Việt: “Lisa mà không chăm chỉ thì cô ấy đã không giỏi tiếng Việt như thế.”

“thì” biểu thị mối quan hệ nối tiếp

Ví dụ:

+ Khi kể với đồng nghiệp chuyện mình phải đi cách ly sau khi nhập cảnh vì phòng tránh dịch bệnh COVID, có thể nói: “Mình vừa xuống sân bay thì người ta yêu cầu phải đi cách ly.”

Trong trường hợp này, kết hợp với từ “vừa”, cặp vừa – thì biểu thị hai hành động diễn ra liên tiếp, hoàn toàn không có khoảng thời gian chờ ở giữa.

Từ “rồi” cũng thể hiện mối quan hệ nối tiếp, nhưng giữa các hành động có thể có khoảng thời gian chờ.

So sánh

Mình vừa xuống sân bay thì người ta yêu cầu phải đi cách ly.Mình xuống sân bay rồi người ta yêu cầu phải đi cách ly.
–> Sử dụng từ “thì” biểu thị phải đi cách ly ngay lập tức.–> Có thể người nói xuống sân bay, thậm chí về nhà cất hành lý rồi mới đi cách ly.

“thì” biểu thị điều nêu phía trước nó là đề tài của mệnh đề phía sau nó

Trong ngữ pháp, “thì” được sử dụng như một từ đánh dấu thành phần khởi ngữ trong câu.

Ví dụ:

+ Giới thiệu về Việt Nam với bạn bè: “Đẹp thì Việt Nam đẹp lắm, con người lại dễ mến.”

+ Giới thiệu về quê hương mình với bạn bè Việt Nam: “Nhưng yêu thì mình vẫn yêu nhất quê hương mình, vì đó là nơi mình sinh ra và lớn lên.”

Cặp “nếu – thì” biểu thị mối quan hệ tương ứng hai mặt của một hiện tượng, một sự vật

Trong trường hợp này, nếu – thì không phải cặp quan hệ từ điển hình chỉ mối quan hệ điều kiện – kết quả nữa.

Ví dụ:

+ Khi muốn nhận xét về một đồng nghiệp: “Nếu ông ấy có hơi thẳng thắn quá thì ông ấy lại rất tốt bụng, nên mọi người vẫn quý.”

Ở đây, có thể thấy, cặp nếu – thì  đồng nghĩa với với cặp tuy – nhưng. Cách sử dụng từ “thì” này thích hợp với văn nói.

Lưu ý:

Từ “thì” có thể xuất hiện ở đầu câu, đặc biệt là trong văn nói, với ý nghĩa nhấn mạnh hoặc như một cách để người nói kết nối nội dung của người phát ngôn trước với lời đáp của mình.

Ví dụ:

+ Lisa: “Ở Việt Nam bây giờ ra đường phải đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.”

Chen: “Tại sao vậy?”

Lisa: “Thì phải chống dịch Covid mà.”

Trong trường hợp này, hoàn toàn có thể không dùng từ “thì”, cách diễn đạt vẫn tự nhiên. Tuy nhiên, trong khi nói người Việt vẫn thường sử dụng từ “thì” ở đầu câu để kết nối ý.

+ Hai người bạn tâm sự với nhau về kế hoạch đi du lịch sau giãn cách xã hội.

Lisa: “Dịch bệnh vẫn chưa hết, người ta khuyến cáo là nên hạn chế du lịch.”

Chen: “Thì biết thế. Nhưng mình muốn đi chơi lắm rồi.”

Lisa: “Thôi, ở nhà chống dịch cậu ạ.”

So sánh

Thì biết thế. Nhưng mình muốn đi chơi lắm rồi.Biết thế. Nhưng mình muốn đi chơi lắm rồi.
–> Sử dụng từ “thì” ở đầu câu, người nói nhấn mạnh mình ý thức rõ về thông tin nên hạn chế du lịch, nhưng kể cả như vậy vẫn muốn đi chơi (đặc biệt nếu khi nói, người nói phát âm rõ ràng, nhấn vào từ “thì”).–> Người nói có biết về thông tin hạn chế du lịch và muốn đi chơi, người nói không nhấn mạnh mình đã hiểu, đã ý thức rất rõ về thông tin.

Khi từ “thì” là phó từ

Lúc này, từ “thì” thường đi kèm với tính từ để nhấn mạnh và tạo sắc thái mỉa mai, châm biếm. Cách sử dụng từ “thì” như một phó từ thường xuất hiện trong văn nói.

Ví dụ:

James khen ngợi một đồng nghiệp nữ ở chỗ làm, bạn gái anh thấy như vậy liền cảm thấy ghen tị: “Vâng, cô ấy thì đẹp, thì giỏi hơn em.”

Trong trường hợp này, sử dụng các phó từ khác như rất, quá, cực kì… đều không tự nhiên.

Trên đây là bài viết: Hướng dẫn sử dụng từ “thì” trong tiếng Việt. Mời các bạn xem các bài viết tương tự khác trong chuyên mục: Ngữ pháp tiếng Việt

We on social : Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *