Một số từ lóng “hot” giới trẻ Việt Nam hay dùng

Một số từ lóng “hot” giới trẻ Việt Nam hay dùng

Trong tất cả các từ ngữ, chắc hẳn từ lóng chính là những từ ngữ gây “nhức óc” nhất, bởi nó gây khó khăn cho người nghe cả về cách nói cũng như ý nghĩa. Vậy, có những từ lóng hot nào được giới trẻ Việt Nam hay sử dụng, và ý nghĩa của chúng là gì?

Một số từ lóng "hot" giới trẻ Việt Nam hay dùng

Từ lóng là gì? 

Từ lóng là một từ ngữ không chính thức của một ngôn ngữ, thường được sử dụng trong đời sống thường ngày. Từ lóng thường không được dùng theo nghĩa đen, nghĩa chính của từ ngữ mà theo nghĩa bóng, nghĩa gián tiếp, có ý nghĩa tượng trưng cho ý muốn nói tới.

Một số từ lóng có cách phát âm, ý nghĩa dân dã, “chợ búa”, không lịch sự. 

Từ lóng được sử dụng khi nào?

Chúng ta cần phải cẩn trọng khi sử dụng từ lóng. Từ lóng không được dùng trong những cuộc hội thoại, trao đổi mang tính lịch sự, đòi hỏi sự nghiêm túc như: bài phát biểu, giao tiếp với người lớn tuổi, giao tiếp với cấp trên, nói chuyện với người mới gặp hoặc không thân thiết,…

Một số từ lóng “hot” hiện nay

Những ví dụ được nêu ra trong bài viết là những từ lóng đang thịnh hành với giới trẻ Việt hiện nay. Một số từ ngữ hoặc cách giải thích không lịch sự có thể sẽ gây khó chịu cho người đọc. 

Gấu

Nếu như trước đây, khi nhắc đến “gấu”, người ta thường nghĩ ngay đến một loài động vật có vú cỡ lớn với lớp lông dày và chuyên sống ở những vùng lạnh của Châu Âu, Châu Á và Bắc Mỹ thì ngày nay, từ “gấu” đã thêm một ý nghĩa nữa, đó là dùng để chỉ người yêu của một ai đó. Bạn sẽ bắt gặp những câu như: “Bạn đã có gấu chưa?”, “Gấu của mình không đi chơi được”, hay “Gấu ơi, em đang làm gì vậy”.

Phò

Đây là từ dùng để nói đến những cô gái hành nghề mại dâm.

Lầy lội, lầy

Dùng để chỉ tính cách, hành động của ai đó. 

  • Có thể dùng để diễn tả sự vui tính và tinh thần chịu chơi (theo hướng tích cực) của một người nào đó. Ví dụ như: “Thằng Bình nó lầy lắm đấy”. Ở đây “lầy” mang ý nghĩa: vui tính.
  • Hoặc cũng có thể diễn tả tính cách không tốt. Ví dụ như: Ông ấy cứ uống rượu vào là lầy lội. Ở đây “lầy lội” mang ý nghĩa: cư xử thiếu suy nghĩ, nói những điều không hay, không chịu ngưng uống.

Thả thính

Hiểu đúng nghĩa đen thì đây là hành động dùng thính làm thức ăn để câu cá. Còn theo nghĩa bóng mà giới trẻ hay sử dụng chính là việc tán tỉnh, dùng những lời ngọt ngào, dễ nghe để thu hút, lôi cuốn ai đó. Đây cũng là một trong số các từ lóng hot tại Việt Nam. Ví dụ: Cô ấy luôn đi thả thính người khác.

Bánh bèo

Ngoài nghĩa gốc chỉ tên một món ăn nổi tiếng ở Việt Nam, thì bánh bèo còn chỉ những cô gái có tính cách điệu đà, hay làm nũng, hay mè nheo, đỏng đảnh, dễ khóc. Ví dụ: Đừng chơi với nó, nó bánh bèo lắm.

Hem

Có ý nghĩa như từ “không” trong tiếng Việt, nhưng được người trẻ biến tấu đi, khiến cho từ ngữ nghe dễ thương, gần gũi và trẻ trung hơn. Ví dụ như: Tối nay đi ăn gì hem?

Gato

Nghe như tên loại bánh, nhưng từ lóng này được giới trẻ dùng để diễn tả cảm xúc hoặc biểu hiện ghen tị. Ví dụ như khi một người nào đó khao khát hoặc muốn có được những thứ mà người khác có, bạn có thể nói với người đó rằng: “Bớt GATO với người khác sẽ khiến bạn tốt hơn”.

Trẻ trâu, sửu nhi

Chỉ những người cư xử như trẻ con, thích thể hiện, tỏ vẻ, nghịch dại, chơi bời để thu hút sự chú ý của người khác bằng những hành động, lời nói, ý nghĩ tiêu cực. “Nó cư xử như một đứa trẻ trâu”, hoặc “Trông mày thật sửu nhi”.

Dis

Đây là một từ viết tắt của “disconnect”. Hiện tại, giới trẻ Việt Nam sử dụng nó trong tin nhắn hoặc chữ viết tay mang ý nghĩa như một từ chửi bậy, dùng thay thế cho: Đ*t, đ*,…

CLGT

Đây là chữ viết tắt cho cụm từ “cái l*n gì thế”. Được sử dụng để diễn tả sự ngạc nhiên, bất ngờ về một điều gì đó, một ai đó.

Vãi

Trong tiếng Việt, “vãi” vừa là danh từ vừa là động từ. Khi là danh từ, “vãi” chỉ người đàn bà có tuổi chuyên đi chùa lễ Phật. Còn khi là động từ, “vãi” chỉ hành động ném rải ra nhiều phía (đồng nghĩa với “rắc”); hoặc chỉ trạng thái rơi lung tung, rơi rãi rác; hoặc chỉ sự thoát ra khỏi cơ thể do không kiềm chế được.

Tuy nhiên hiện nay, giới trẻ Việt Nam lại sử dụng từ “vãi” này để nhấn mạnh mức độ của một động từ hay tính từ nào đó. Ví dụ, “ngon vãi” có nghĩa là cực kỳ ngon; “sợ vãi” có nghĩa là cực kỳ sợ.

Từ “vãi” cũng có thể được sử dụng riêng một mình. Khi bạn cực kỳ ngạc nhiên vì một điều gì đó, bạn có thể nói: “Vãi!”.

Toang

Từ “toang” ám chỉ một sự việc nào đó đã bị đổ vỡ, không còn cứu vãn được nữa.

Ví dụ, hôm nay là ngày phải nộp bài tập về nhà mà bạn lại quên làm, khi đó bạn có thể nói: “Thôi toang rồi!”. Hoặc khi bạn suýt tí nữa thì đi làm trễ, bạn có thể nói: “Tí nữa thì toang!”.

Từ lóng có thể coi như “ngôn ngữ” thứ 2 của giới trẻ hoặc một bộ phận người thường xuyên sử dụng. Từ lóng là từ ngữ thân thuộc và có ở hầu hết mọi quốc gia. Đối với người nước ngoài, để học được từ lóng sẽ mất nhiều thời gian và khó khăn hơn, bởi từ lóng thường ít được dạy trong trường lớp hoặc sách vở. Học và hiểu được từ lóng của giới trẻ Việt sẽ giúp ích cho những người đang học Tiếng Việt trở nên gần gũi, và hứng thú với môn học hơn.

Mời các bạn tham khảo các bài viết tương tự trong chuyên mục: Tiếng Việt giao tiếp

We on social : Facebook

Leave a Reply