Phép ẩn dụ trong tiếng Việt

Phép ẩn dụ trong tiếng Việt

Trong bài viết này, Tiếng Việt 24h xin được giới thiệu đến các bạn: Phép ẩn dụ trong tiếng Việt. Cùng bắt đầu nhé!

Phép ẩn dụ trong tiếng Việt

Ẩn dụ là gì?

– Ẩn dụ là biện pháp gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng. Ẩn dụ thường được sử dụng trong văn học, đặc biệt là thơ ca.

– Ví dụ:

+ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”: “mực” là hình ảnh ẩn dụ của những người hay môi trường xấu, còn “đèn” là hình ảnh ẩn dụ của những người hay môi trường tốt đẹp. Ở gần “mực” (tức ở gần những người hay môi trường xấu) sẽ khiến chúng ta bị lây nhiễm thói xấu, ngược lại, ở gần “đèn” (tức ở gần những người hay môi trường tốt đẹp) sẽ giúp chúng ta học được thói quen tốt.

+ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”: “quả” chỉ thành quả được tạo ra, “kẻ trồng cây” chỉ người tạo ra thành quả. Cả câu muốn nhắn nhủ rằng phải biết ơn những người đã tạo ra thành quả cho mình hưởng thụ.

Phân loại

Ẩn dụ hình thức

– Là phép ẩn dụ dựa trên sự tương đồng về hình thức giữa các sự vật, hiện tượng.

– Ví dụ:

+ “Mỗi cây phượng trong sân trường thắp lên một đốm lửa đỏ”: hình ảnh ẩn dụ trong câu là “đốm lửa đỏ”, dùng để chỉ màu đỏ của hoa phượng.

+ “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” (Truyện Kiều, Nguyễn Du): hình ảnh ẩn dụ trong câu thơ này là “khuôn trăng” (mặt trăng tròn trịa), dùng để chỉ khuôn mặt tròn trịa, đầy đặn.

Ẩn dụ cách thức

– Là phép ẩn dụ dựa trên sự tương đồng về cách thức thực hiện hành động giữa các sự vật, hiện tượng.

– Ví dụ:

+ Xét ví dụ ở phần trước: “Mỗi cây phượng trong sân trường thắp lên một đốm lửa đỏ”. Trong câu này, động từ “thắp” được hiểu là nở hoa. Ý cả câu là: Những cây phượng trong sân trường nở hoa đỏ rực.

+ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”: “ăn” chỉ việc hưởng thụ, còn “trồng cây” thì chỉ việc lao động tạo ra giá trị hay thành quả.

Ẩn dụ phẩm chất

– Là phép ẩn dụ dựa trên sự tương đồng về phẩm chất giữa các sự vật, hiện tượng.

– Ví dụ:

+ “Thuyền về có nhớ bến chăng / Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”: “thuyền” ở đây chỉ người đàn ông, còn “bến” chỉ người phụ nữ. Người đàn ông thường xuyên đi đây đi đó giống như “thuyền”, còn người phụ nữ thì thường ở quê nhà chờ đợi người đàn ông trở về giống như “bến” vậy.

Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác

– Đặc điểm của sự vật, hiện tượng được nhận biết bằng giác quan này nhưng lại được miêu tả bằng từ ngữ sử dụng cho giác quan khác.

– Ví dụ:

+ “Giọng nói ngọt”: giọng nói được nhận biết qua thính giác, còn “ngọt” lại là từ dùng cho vị giác. “Giọng nói ngọt” chỉ giọng nói êm tai, dễ nghe.

+ “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa / Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” (Đêm Côn Sơn, Trần Đăng Khoa): “mỏng” là từ dùng cho xúc giác, nhưng ở đây tác giả lại dùng cho “tiếng rơi” (vốn dĩ được nhận biết qua thính giác). “Tiếng rơi rất mỏng” chỉ tiếng rơi rất khẽ khàng của lá đa.

Mời các bạn xem các bài viết tương tự khác trong chuyên mục: Ngữ pháp tiếng Việt

We on social : Facebook

Leave a Reply