Thì quá khứ trong tiếng Việt

Thì quá khứ trong tiếng Việt

Trong bài viết này, Tiếng Việt 24h xin được giới thiệu đến các bạn: Thì quá khứ trong tiếng Việt. Cùng bắt đầu nhé!

Thì quá khứ trong tiếng Việt

Cách sử dụng

– Diễn tả một hành động, trạng thái xảy ra tại một thời điểm trong quá khứ. Hành động, trạng thái đó có thể đã kết thúc hoàn toàn hoặc vẫn còn kéo dài đến hiện tại.

Ví dụ:

Cô ấy đã ăn tối lúc 7 giờ.

Khi biết được sự thật, mình đã rất sốc.

Tớ đã học tiếng Việt được 2 năm rồi.

– Diễn tả một hành động trong quá khứ nhưng không rõ thời điểm xảy ra, kết quả của hành động đó có ảnh hưởng đến hiện tại.

Ví dụ:

Em đã làm xong hết bài tập rồi, nên bây giờ em có thể xem ti vi.

Cậu ấy đã làm mất ví tiền của mình rồi.

– Diễn tả hành động xảy ra nhiều lần từ quá khứ đến hiện tại.

Ví dụ:

Cậu đã xem phim này 5 lần rồi mà.

Bọn tớ đã đến đây nhiều lần.

– Diễn tả hành động vừa mới xảy ra không lâu.

Ví dụ:

Mình vừa mới nhìn thấy cậu ấy ở trong cửa hàng đó.

Tớ mới xem phim này hôm qua.

Cấu trúc

Câu khẳng định

Chủ ngữ + mới / vừa mới + hành động / trạng thái

Chủ ngữ + đã + hành động / trạng thái

+ Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, từ “đã” cũng có thể được lược bỏ, thay vào đó, chúng ta sẽ thêm từ “rồi” ở cuối câu hoặc thêm các từ chỉ thời gian trong quá khứ.

Chủ ngữ + (đã) + hành động / trạng thái + rồi

Ví dụ:

Thưa bố mẹ con mới về.

Cậu ấy vừa mới ăn cơm xong đã lên giường nằm ngay.

An đã làm việc cho công ty này được 10 năm.

Hôm qua tớ về nhà trễ nên bố mẹ đã rất tức giận.

Tớ đã trả sách cho thư viện rồi.

Trời hết mưa rồi.

Cảm ơn cậu vì đã nói chuyện với tớ, tớ thấy khá hơn rồi.

Mình làm bài tập xong rồi.

Câu phủ định

Chủ ngữ + (đã) không + hành động / trạng thái

+ Từ “đã” trong cấu trúc trên có thể được lược bỏ, nhưng khi đó trong câu thường sẽ có thêm các từ chỉ thời gian trong quá khứ.

Ví dụ:

Hôm qua mình đã không về nhà.

Tớ đã không nói sự thật cho cậu ấy biết.

Vì tối qua trời mưa nên chúng tớ đã không đi xem phim.

Hôm qua là ngày lễ nên tớ ở nhà ôn thi.

Câu nghi vấn

+ Câu hỏi có / không:

Chủ ngữ + (đã) + hành động / trạng thái + phải không?

Có phải + chủ ngữ + (đã) + hành động / trạng thái + không?

Chủ ngữ + (đã) + hành động / trạng thái + chưa?
–> Chủ ngữ + (đã) + hành động / trạng thái + rồi
–> Chủ ngữ + chưa + hành động / trạng thái

Chủ ngữ + đã + hành động / trạng thái + xong chưa?
–> Chủ ngữ + (đã) + hành động / trạng thái + xong rồi
–> Chủ ngữ + chưa + hành động / trạng thái + xong

Ví dụ:

Cậu đã về nhà phải không?

Hôm qua cậu không đi học phải không?

Có phải cậu đã mua cái này về không?

Có phải hồi sáng cậu gọi điện cho tớ không?

Con đã làm bài tập chưa?
–> Con làm xong rồi ạ.
–> Con chưa làm ạ.

Cậu rửa chén xong chưa?
–> Xong rồi.
–> Chưa / Chưa xong.

+ Câu hỏi có từ để hỏi:

Ai + (đã) + hành động / trạng thái + vậy / thế?

Chủ ngữ (người, con vật) + (đã) + làm gì + vậy / thế? (từ “đã” có thể được lược bỏ nhưng khi đó trong câu thường sẽ có thêm các từ chỉ thời gian trong quá khứ)

Chủ ngữ (người, con vật) + (đã) + hành động / trạng thái + với ai + vậy / thế? (từ “đã” có thể được lược bỏ nhưng khi đó trong câu thường sẽ có thêm các từ chỉ thời gian trong quá khứ)

Ví dụ:

Ai đã mở đèn thế?

Ai tặng quà cho bạn thế?

Cậu đã làm gì vậy?

Tối qua con đi chơi với ai vậy?

Trên đây là: Thì quá khứ trong tiếng Việt. Mời các bạn xem các bài viết tương tự khác trong chuyên mục: Ngữ pháp tiếng Việt

We on social : Facebook

Leave a Reply